Trĩ nội và trĩ ngoại những đặc điểm và cách phân biệt

Bệnh trĩ được chia thành 2 nhóm chính: Trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ hỗn hợp chỉ là tổng hợp của hai dạng búi trĩ này mà thành. Hai dạng búi trĩ này xuất hiện trên hai vùng khác nhau, dọc theo chiều dài của ống hậu môn được gọi là đường lược.

Bệnh trĩ hình thành khi một hoặc một vài thành tĩnh mạch thuộc hệ thống tĩnh mạch hậu môn bị co giãn và phình đại quá mức, chúng sa xuống và tạo nên búi trĩ hậu môn.

Niêm mạc ống hậu môn được chia thành hai vùng khác nhau, ngăn cách bởi đường lược hậu môn. Theo đó, nếu như những búi trĩ xuất hiện ở bên trên đường lược hậu môn và không thể nhìn thấy được từ bên ngoài thì gọi là trĩ nội. Các búi trĩ xuất hiện ở bên dưới đường lược hậu môn, có thể quan sát từ bên ngoài ngay khi mới xuất hiện được gọi là trĩ ngoại. 

Đặc điểm của trĩ nội

Các búi trĩ nội có đặc điểm:

Nằm trên đường lược hậu môn.
Bề mặt trĩ nội là lớp niêm mạc của ống hậu môn.
Ít khi gây ra đau đớn khó chịu do niêm mạc bên trong ống hậu môn không chứa các dây thần kinh cảm giác. 
Bệnh trĩ nội được chia thành cấp độ (4 độ) dựa vào sự phát triển của các búi trĩ nội. 
Đặc điểm của trĩ nội

Diễn biến phát triển của trĩ nội qua 4 giai đoạn:

Cấp độ 1: Búi trĩ nội mới hình thành, chưa gây ra triệu chứng gì khó chịu. Chảy máu có thể là dấu hiệu đầu tiên mà bệnh nhân trĩ nội có.
Cấp độ 2: Các búi trĩ nội có thể sa ra bên ngoài hậu môn mỗi khi bệnh nhân đi đại tiện nhưng sẽ tự co lên được, chảy máu gia tăng.
Cấp độ 3: Các búi trĩ thường trực sa ra ngoài hậu môn mỗi khi bệnh nhân ho hay hắt xì hơi, đứng lâu hoặc ngồi nhiều. Bệnh nhân phải dùng tay mới có thể đẩy búi trĩ nội vào bên trong hậu môn được. 
Cấp độ 4: Búi trĩ nội sa ra ngoài và không thể đẩy lên được nữa, đe dọa nguy cơ tắc mạch, nghẹt búi trĩ và viêm da quanh hậu môn. 

Đặc điểm của trĩ ngoại


Không giống như trĩ nội, các búi trĩ ngoại ngay từ giai đoạn đầu đã sa ra ngoài hậu môn và rất đơn giản để nhận biết. Do đó, người ta không chia bệnh trĩ ngoại thành các cấp độ như búi trĩ nội.

Các đặc điểm của trĩ ngoại:

Búi trĩ nằm bên dưới đường lược hậu môn.
Bề mặt trĩ ngoại là các lớp da vùng hậu môn, chính là lớp biểu mô lát tầng, có độ co giãn tốt hơn so với trĩ nội.

Các đặc điểm của trĩ ngoại


Vị trí bên ngoài của lớp da hậu môn có chứa dây thần kinh cảm giác, nên trĩ ngoại gây ra nhiều đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
Không được chia thành 4 cấp độ như bệnh trĩ nội bởi vì các búi trĩ ngoại ngay từ giai đoạn đầu đã sa ra ngoài hậu môn.

Bệnh trĩ hỗn hợp

Trĩ hỗn hợp là sự xuất hiện của cả các búi trĩ nội và búi trĩ ngoại trên cùng một bệnh nhân. Trĩ hỗn hợp thường xuất hiện khi bệnh trĩ nội hay trĩ ngoại đã diễn biến lâu ngày, liên kết với nhau thành búi trĩ hỗn hợp. 
Hầu hết bệnh nhân bị trĩ hỗn hợp lúc mới đầu chỉ là mắc bệnh trĩ nội. Khi búi trĩ nội sa tới cấp độ 3 mới xuất hiện thêm các búi trĩ ngoại, hình thành trĩ hỗn hợp. 

Cách phân biệt bệnh trĩ nội và bệnh trĩ ngoại

Phân biệt bệnh trĩ nội và trĩ ngoại dựa trên một số đặc điểm nhận biết sau:
Vị trí xuất hiện của búi trĩ: Búi trĩ nội nằm bên trong ống hậu môn và không thể nhìn thấy chân hoặc cuống của búi trĩ nội từ bên ngoài. Trong khi đó búi trĩ ngoại nằm ngoài rìa ống hậu môn nên rất dễ nhận biết ngay từ khi nó xuất hiện.

Đặc điểm bệnh trĩ: Dấu hiệu đầu tiên mà bệnh nhân mắc trĩ nội có là hiện tượng chảy máu hậu môn. Trong khi dấu hiệu đầu tiên mà bệnh nhân trĩ ngoại có là sự xuất hiện các mẩu da thừa ngay bên ngoài ống hậu môn.

Biến chứng: Búi trĩ nội nằm ở trong ống hậu môn khi sa ra ngoài ống hậu môn, bị cơ vòng hậu môn chặn lại, đe dọa xảy ra các biến chứng như sa búi trĩ, tắc mạch và nghẹt búi trĩ. Trong khi diễn tiến và biến chứng của trĩ ngoại chỉ là xuất hiện mẩu da thừa và gây đau cho người bệnh.

Cảm giác gây ra cho bệnh nhân: Niêm mạc ống hậu môn không chứa dây thần kinh cảm giác nên trĩ nội không gây ra đau đớn. Ngược lại búi trĩ ngoại nằm ngoài rìa ống hậu môn, nơi đây chứa rất nhiều dây thần kinh cảm giác, gây ra nhiều đau đớn và khó chịu. 

Điều trị: Sự khác biệt về vị trí xuất hiện búi trĩ khiến cho các cách điều trị bệnh trĩ là khác nhau. Nếu như bệnh trĩ nội có rất nhiều cách điều trị như: Thắt vòng cao su, chích xơ, quang đông hồng ngoại … thì chỉ có một cách duy nhất điều trị bệnh trĩ ngoại là can thiệp ngoại khoa cắt trĩ mà thôi.

Hy vọng với những chia sẻ trên đây có thể giúp bạn đọc nắm được đặc điểm và cách phân biệt bệnh trĩ nội và trĩ ngoại.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách chữa bệnh trĩ ngoại hiệu quả nhất với 5 loại thảo dược

Phương thuốc chữa đi ngoài ra máu hiệu quả

Triệu chứng bệnh trĩ nội và cách chẩn đoán sớm bệnh